Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Sai lầm nhân viên mới dễ mắc nơi công sở - HR Vietnameses

Sai lầm nhân viên mới dễ mắc nơi công sở

(VnMedia) - Bạn là ứng viên xuất sắc, đã lọt vào "mắt xanh" của các nhà tuyển dụng nhưng không có nghĩa là mọi việc đều dễ dàng và suôn sẻ. Trong môi trường làm việc mới, từ cách ứng xử, cách tiếp cận công việc... Nhân viên mới thường gặp không ít khó khăn, nhiều khi dễ mắc sai lầm.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng một vài tuần đầu làm việc ở công ty mới là rất quan trọng bởi đây là quãng thời gian xác định tương lai sự nghiệp của các bạn. Tuy nhiên, theo tâm sự của bạn Trần Ngọc Bích, hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế ở Hà Nội: "trong môi trường làm việc mới, em vẫn không rõ mình muốn gì, thích làm công việc gì và định hướng phát triển cho bản thân như thế nào" . Sự mơ hồ ấy khiến nhiều bạn trẻ rất khó tiếp cận công việc đúng hướng, thậm chí nhà tuyển dụng cũng khó mà đưa bạn vào đúng vị trí phù hợp.

Trong quá trình tuyển dụng và đào tạo sau tuyển dụng, nhiều chuyên gia tuyển dụng đã phải thừa nhận rằng có hai xu hướng mà nhiều nhân viên mới thường bỏ qua hoặc xem nhẹ, như chương trình đào tạo sau tuyển dụng và luôn trông chờ được hướng dẫn từ những nhân viên cũ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Sarah Yamagata - Giám đốc đào tạo EnWorld Group, các nhân viên mới gia nhập doanh nghiệp chính là nền tảng để tạo nên thành công. Nhưng sự khác biệt của mỗi nhân viên chính là động cơ làm việc.

Trong quá trình tuyển dụng và đào tạo các nhân viên mới, các chuyên gia tuyển dụng cũng có thể dễ dàng điểm mặt được những lỗi mà nhân viên mới thường mắc phải trong môi trường công sở.



Bỏ qua văn hóa công ty

Mỗi công ty đều có nét văn hóa riêng, vì thế, vào bất kỳ công ty nào, bạn cũng không nên bỏ qua việc tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình được Donna Farrugia, Giám đốc điều hành của CreativeGroup.Com kể rằng, công ty ông đã đề nghị 250 nhà điều hành quảng cáo, tiếp thị chỉ ra những thách thức lớn nhất cho những ứng viên mới bắt đầu công việc. Và kết quả cứ 10 người thì có 4 người làm quen được với văn hóa doanh nghiệp này. Do đó, lời khuyên dành cho nhân viên mới, bạn cần phải dành thời gian tìm hiểu, quan sát mọi thứ ở công ty.

Không biết gì về cấp trên

Là nhân viên mới, bạn phải hiểu rõ việc tìm hiểu về cấp trên là thể hiện sự tôn trọng đối với lãnh đạo và đồng nghiệp chứ không phải là xu thế “nịnh bợ”. Điều này có nghĩa là bạn đã tìm hiểu và đánh giá cao những thành tích mà họ đã đạt được. Vì vậy, khi gặp cấp trên hay những nhân vật xuất sắc trong công ty, một câu “xin chào” sẽ trở nên khách khí và xã giao khi bạn không nhấn mạnh đại loại như “Tôi là nhân viên mới và tôi biết anh/chị đã dẫn đầu một dự án lớn vào năm ngoái, tôi rất muốn được làm việc cùng và học hỏi từ anh/chị”.

Nói quá nhiều về các thành công trong quá khứ

Khi bạn vào công ty mới, dù trước đây bạn từng là nhân vật uy tín, danh tiếng ở một doanh nghiệp nào đó, bạn cũng đừng nên kiêu căng, vênh váo với mọi người. Bạn nên nhớ, các đồng nghiệp không muốn nghe bạn nói câu “tôi biết” suốt ngày. Bởi vì khoe khoang quá nhiều về những thành tích bạn đã đạt được trước kia có thể khiến đồng nghiệp và sếp cảm thấy ngán ngẩm… Tốt hơn hết, chỉ kể về những thành tích đó khi bạn đã thiết lập được một vị trí vững chãi và quan hệ tốt với các đồng nghiệp khác.

Ở đây, lời khuyên dành cho bạn, nếu muốn hòa nhập với môi trường mới, các bạn nên dành thời gian để hiểu về công ty và làm quen với mọi người trước khi bắt tay vào công việc.

Không thừa nhận sai lầm

Mọi người đều ít nhất một lần mắc sai lầm nơi công sở, nhất là với những nhân viên mới, sự bỡ ngỡ càng khiến họ dễ gặp phải sai lầm hơn. Nhưng đừng nghĩ rằng, không nhận sai lầm, không nói cho ai biết lỗi của mình hoặc cứ đổ thừa cho người khác là êm xuôi mọi chuyện. Ở đây, bạn nên thẳng thắn nhận lỗi, bởi với một nhân viên mới, những sai lầm không phải là điều quá ghê gớm.

Đề xuất thay đổi quá sớm

Mới vào công ty, dù thấy có nhiều điều không hợp lý nhưng đừng vội vàng đề xuất thay đổi. Bởi đây chưa hẳn là cách là hay, thậm chí có thể gây khó chịu cho những người làm việc lâu năm tại đây. Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu nguyên do bởi ở mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, cần có sự ứng biến linh hoạt chứ không thể áp đặt theo một khuôn có sẵn. Bởi vậy, muốn đề xuất thay đổi, bạn phải hiểu rõ quy trình, thủ tục hiện hành, đưa ra được lý do vì sao phải thay đổi và cách thức tiến hành như thế nào rồi mới trao đổi với sếp.

Không chịu giao tiếp bằng ánh mắt và mỉm cười

Đừng quên nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện, mỉm cười và nói câu “xin chào” để tạo điểm nhấn thân thiện. Những chi tiết nhỏ này sẽ đem đến hiệu quả lớn cho bạn, tạo cho bạn một hình ảnh dễ hòa đồng, chuyên nghiệp và trưởng thành.

Dành nhiều thời gian cho công nghệ và buôn chuyện

Ngày nay, dân công sở phụ thuộc ngày càng nhiều vào điện thoại thông minh và Facebook trong thời gian làm việc. Tuy nhiên, ở trong một môi trường làm việc mới, bạn thậm chí không nên gửi tin nhắn trên điện thoại trong giờ làm việc hay kiểm tra Facebook. Bởi nhà tuyển dụng không trả tiền cho nhân viên để họ trò chuyện với bạn bè hay quan tâm việc khác.

Bên cạnh đó, tham gia vào những câu chuyện phiếm tưởng như vô hại cũng có thể khiến nó trở thành vũ khí để người khác chống lại bạn.

Mặc đồ thiếu nghiêm túc

Việc ăn vận trang phục lôi thôi hoặc không phù hợp với môi trường làm việc trong ngày đầu tiên đi làm sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt sếp và đồng nghiệp. Ấn tượng vẻ bề ngoài luôn quan trọng để chứng minh tác phong trong công việc. Do đó, là nhân viên mới, bạn nên tham khảo đồng nghiệp trước về tác phong trang phục của cơ quan.

Thanh Châu

Công ty và quyền riêng tư của nhân viên

(TBKTSG) - Vừa qua, công ty X tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định khiển trách bằng văn bản đối với bà A. Lý do công ty X đưa ra là bà A đã nhiều lần dùng e-mail cá nhân đặt mua hàng qua mạng, tức là đã làm việc riêng trong giờ làm việc, vi phạm nội quy lao động của công ty X. Tuy vẫn được tiếp tục làm việc tại công ty và được trả đầy đủ lương, phúc lợi như trước đây, nhưng thấy “bẽ mặt” với đồng nghiệp, bà A đã phản ứng lại bằng cách gửi công văn yêu cầu liên đoàn lao động địa phương bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động bị công ty xâm phạm quyền riêng tư mặc dù không có ý kiến phản đối quyết định xử lý kỷ luật lao động của công ty.

Quyền riêng tư là gì?

Trước hết, phải nói rằng pháp luật Việt Nam hiện chưa có luật riêng quy định về việc bảo vệ quyền riêng tư mặc dù đã từng được kiến nghị đưa vào chương trình soạn thảo luật của Quốc hội. Thuật ngữ “quyền riêng tư” cũng chưa được định nghĩa về mặt pháp lý một cách trọn vẹn trong các văn bản pháp luật hiện hành mà rải rác đâu đó một vài quy định cắt lát của “quyền riêng tư”. Chẳng hạn điều 21 trong Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình hay mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Điều 38 trong Bộ luật Dân sự 2005 thì quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ hoặc thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Trong trường hợp kể trên, bà A cho rằng công ty X xâm phạm quyền riêng tư của người lao động và mặc dù không có định nghĩa pháp lý nào về quyền riêng tư, về hành vi xâm phạm quyền riêng tư, thì với việc đọc thư điện tử của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó như công ty X đang làm, nhìn ở góc độ hẹp, đó có thể xem như là sự xâm phạm bí mật thư tín. Nhưng nếu không được phép làm như vậy, thử hỏi người sử dụng lao động làm cách nào để quản lý tốt nhân viên, biết được họ đang làm việc công hay tư trong thời gian ở văn phòng?

Có xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên?

Nếu chỉ xét riêng tình tiết công ty X đọc e-mail cá nhân của bà A mà chưa được sự cho phép của bà A thì rõ là đã có việc xâm phạm thư tín người khác, nhưng nhìn tổng thể sự việc và soi chiếu từ góc độ tài sản, quyền của chủ sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự và quyền quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp thì công ty X lại có quyền kiểm tra, giám sát việc nhân viên sử dụng tài sản của công ty để đảm bảo họ sử dụng tài sản đúng mục đích và tối đa hóa giá trị sử dụng tài sản. Sẽ có tranh cãi như: bà A không sử dụng e-mail của công ty mà là e-mail cá nhân, nhưng để thao tác trên e-mail cá nhân, bà A phải dùng máy tính của công ty, hoặc bà A dùng máy tính của mình nhưng bằng đường truyền Internet của công ty để giải quyết việc riêng trong giờ làm việc...

Kể cả trong trường hợp bà A đem máy tính của công ty X về nhà sử dụng sau giờ làm việc cho các mục đích cá nhân nhưng bằng đường truyền Internet của gia đình thì vẫn có thể được xem là đang sử dụng tài sản của công ty không đúng mục đích. Nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu tài sản và người lao động được giao hay được ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản là người đó phải có nghĩa vụ phải giữ gìn, bảo quản và sử dụng tài sản được giao đúng mục đích. Một người đương nhiên có quyền riêng tư và bản thân thông tin của người đó là riêng tư, là mật, nhưng nếu người đó để mở thông tin trên các thiết bị của người khác trong khi vẫn nhận thức được rằng chủ sở hữu tài sản có thể đọc được các thông tin riêng tư đó khi kiểm tra tài sản thì tức là người đó đã chủ động làm giảm đi đáng kể tính chất riêng tư của thông tin cá nhân. Nói cách khác, người đó đã ngụ ý rằng quyền riêng tư của họ không còn cần thiết được bảo vệ nữa.

Nhiều doanh nghiệp quy định cụ thể trong nội quy lao động là nhân viên sử dụng tài sản doanh nghiệp vào mục đích cá nhân (dù trong hay ngoài giờ làm việc) sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo một hình thức nhất định. Khi đó, chỉ cần người sử dụng lao động chứng minh được người lao động vi phạm nội quy là đã có lý do để xử lý kỷ luật lao động.

Giám sát nhân viên trong thời đại công nghệ thông tin

Nói chung, quyền riêng tư của con người được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia nhưng người ta cũng đồng thời nhận ra rằng trong thời đại công nghệ thông tin thay đổi đến chóng mặt như hiện nay thì quyền riêng tư của con người khó mà được bảo vệ tuyệt đối.

Bằng các phần mềm quản lý được cài đặt trong máy tính hoặc truy cập hệ thống máy chủ..., Các ông chủ có thể biết được thời gian nhân viên làm việc thực sự trên máy tính trong ngày và cụ thể đã làm công việc gì mà không cần trực tiếp thao tác trên máy tính của người đó.

Mặc dù việc “lập hàng rào” bảo vệ tài sản và áp dụng công nghệ thông tin để giám sát nhân viên là điều các doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng, nhưng thực tế nhiều công ty vẫn giao tài sản máy tính cho nhân viên sử dụng mà không có sự giới hạn về phạm vi sử dụng. Trong trường hợp này, ngoài việc tin vào tính tự giác, ý thức của nhân viên, công ty còn muốn tạo một môi trường làm việc thoải mái, thân thiện, không quản lý bằng cách theo dõi, giám sát hà khắc. Các doanh nghiệp vẫn thường cho một “khoảng thời gian mềm” để nhân viên kiểm tra, trả lời e-mail cá nhân hay giải quyết việc riêng có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, quyền riêng tư của người lao động nên giới hạn ở một chừng mực nhất định. Nhưng giới hạn đó ở đâu? Thật sự là không có văn bản pháp luật nào chỉ ra được giới hạn của sự riêng tư dành cho người lao động mà người lao động không thể chạm tới. Giới hạn đó chỉ có thể được dựng lên bằng ý thức, sự tự giác của mỗi cá nhân để ngăn cản bản thân có những hành vi gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Trong môi trường pháp lý chưa rõ ràng về vấn đề quyền riêng tư, doanh nghiệp nên có một số hành động trong chừng mực pháp luật cho phép với mục tiêu phòng ngừa là chính để tự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Doanh nghiệp có thể lắp đặt các thiết bị theo dõi trong phòng làm việc và cho nhân viên biết họ đang được giám sát, điều này có thể khiến nhân viên thận trọng và hạn chế làm việc riêng. Doanh nghiệp có thể thông báo cho nhân viên biết hệ thống máy chủ đã lưu trữ thông tin từ máy tính cá nhân, thông qua đó người quản lý có thể kiểm tra để xác định năng suất làm việc, thời gian, năng lực và thái độ làm việc thực tế của mỗi người. Đồng thời, trong nội quy lao động của công ty phải có những quy định cụ thể về xử lý kỷ luật lao động đối với những hành vi không đúng mực trong việc quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Doanh nghiệp cũng cần tổ chức thường xuyên các buổi huấn luyện nội bộ về việc sử dụng thời giờ làm việc hiệu quả.

Tất nhiên, việc áp dụng các cách thức quản lý như gợi ý ở trên cũng cần phải được chọn lọc và cân nhắc đến môi trường làm việc, đối tượng áp dụng để việc quản lý phát huy hiệu quả mà không làm “tổn thương” đến người lao động.

(*) Công ty Luật TNHH Phước và Các Cộng sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét